Từ hơn một năm nay, trên các phương tiện thông tin (báo in, báo mạng, báo hình) đã có nhiều bài viết về nhiệt điện than (NĐT), chủ yếu phê phán NĐT, coi là nguồn phát thải gây ô nhiễm cho môi trường. Chính nhờ sự đưa thông tin này mà tất cả những ai liên quan đến NĐT phải xem xét lại một cách toàn diện về những mặt được và chưa được của NĐT, có ý nghĩa cảnh báo để các cơ quan hữu trách lưu ý, nên đó là điều đáng quý, đáng khích lệ.
Song rất tiếc và cũng rất đáng phàn nàn là các tổ chức mang tên khoa học, các nhà khoa học, khi cung cấp thông tin cho các nhà báo, đã không cung cấp đầy đủ, không nói rõ nguồn gốc, nguyên nhân và phạm vi xảy ra, còn nặng về suy diễn, thậm chí thổi phồng, với những tiêu đề giật gân, khiến cộng đồng hiểu sai về NĐT, thậm chí hoảng sợ NĐT, đã có tình phản đối xây dựng NĐT ở địa phương mình.
Chúng tôi đã có phát biểu và trả lời nhiều nhà báo và đã đăng các ý kiến của mình trên tạp chí Năng lượng Nhiệt số tháng 1/2017 Ngày 29.8.2017, tại hội thảo về “Phát triển nhiệt điện than và các biện pháp bảo vệ môi trường” do Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc Hội phối hợp với Hội KHKT Nhiệt Việt Nam tổ chức, chúng tôi đã phát biểu, phân tích những ý kiến chưa đúng về NĐT được công bố trong thời gian gần đây.
XIN LỌC MỘT SỐ TIN ĐÃ CÔNG BỐ ĐỂ TRAO ĐỔI:
1. Ở Việt Nam mỗi năm có 4.300 người chết yểu vì nhiệt điện than
Theo báo Tuổi trẻ TP. Hồ Chí Minh (ngày 03/10/2016) đã đưa thông tin “theo nghiên cứu của trường ĐH Harvard (Mỹ), ở Việt Nam mỗi năm có 4.300 người chết yểu vì ô nhiễm do NĐT”. Không rõ trường đại học Harvard nghiên cứu như thế nào hay chỉ là suy diễn. Chúng tôi có chất vấn lại là nếu trường Harvard có kết quả nghiên cứu như vậy thì tại sao không cảnh báo cho nước Mỹ có tới 43,3 % tổng sản lượng điện là do nhiệt điện than (hơn 1.850 tỷ kWh), hơn gấp 80 lần sản lượng điện than của Việt Nam (tại thời điểm công bố), sao không cảnh báo cho nhiều nước khác có tỷ lệ NĐT rất cao như Nam Phi (93,8%), Ba Lan (86,7%), Hồng Kông (71,2%), Úc (68%), Ấn Độ (67,9%), Israel (59%), Đức (45%), Hàn Quốc (43,2%). Đặc biệt Trung Quốc (79%) với sản lượng NĐT tới 4.600 tỷ kWh, lớn hơn tổng sản lượng điện của nước Mỹ, (gấp 200 lần sản lượng điện do NĐT ở Việt Nam).
Ở Việt Nam, đã ở đâu có sự nghiên cứu đo đạc, phân tích và thống kê về những người chết yểu do NĐT để khẳng định con số 4.300 người chết yểu.
2. Một đoạn sông có 4 nhà máy, tương lại sẽ có 14 nhà máy NĐT với nước thải ra trên 40 độ C sẽ giết hết môi sinh trong hệ thống sông ngòi ở Đồng Bằng Nam Bộ, phá hủy cả một nền văn hóa và kinh tế của hàng triệu người gắn liền cuộc sống với sông nước.
Trên báo Chuyên đề An ninh Thế giới cuối tháng 8/2017, cho biết chỉ ở một NMĐ nguồn nước làm mát khổng lồ sẽ cuốn hút và làm kẹt chết 96 triệu con cá mỗi năm.
Lưu lượng nước của hệ thống sông Mê Kông ở đồng bằng Nam bộ là 36.000m3/s, tất cả 14 NMĐ chạy đồng loạt, phát hết tải cũng chỉ cần 1.000m3/s và làm sao nước làm mát lại trên 400C, trong khi theo thống kê về khí tượng thủy văn, nhiệt độ nước sông ở nước ta tối đa mới tới 280C, sau làm mát nhiệt độ tăng thêm 7 - 8 độC, thế thì làm sao lại tới trên 40 độ C được.
Việc cung cấp thông tin rằng có cả trăm triệu con cá bị hút vào và kẹt chết trong hệ thống nước làm mát trong một năm chỉ của một NMĐ là xảy ra trong trường hợp nào, có phải là phổ biến không, ở Việt Nam đã có NMĐ nào xảy ra như vậy? Việc có cả trăm triệu con cá thì khối lượng mỗi con cá là mấy gram, mấy kg. Nếu cứ đưa thông tin như vậy thì hàng nghìn NĐT trên thế giới sẽ hủy diệt hết môi sinh của hàng nghìn con sông trên thế giới. Nhưng thực tế thì làm gì có chuyện như vậy.
Đưa tin như vậy khiến người đọc không có chuyên môn về NĐT sẽ khiếp sợ.
3. NĐT thải ra hàng chục nguyên tố kim loại nặng độc hại, hút hết không khí để đốt than khiến người dân xung quanh không có không khí để thở.
Theo Báo Chuyên đề An ninh Thế giới số cuối tháng 8/2017 trong bài báo nhan đề “Nhiệt điện nỗi ám ảnh dài hạn” cho biết NĐT tạo ra hàng loạt kim loại nặng độc hại như thủy ngân, selen, arsen, chì, cadimi, v.v.
Tôi không hiểu tại sao khi đốt than lại thải ra nhiều kim loại nặng đến như vậy. Khối lượng các kim loại nặng này là bao nhiêu trong một tấn than đốt. Kết quả phân tích tro xỉ của rất nhiều NMĐ ở Việt Nam đều không phát hiện có các nguyên tố kim loại nặng này, thế thì thông tin đưa trên báo dựa vào kết quả phân tích cụ thể ở NMĐ nào, còn nếu chỉ thấy có vết thì ngay một nắm đất xung quanh ta cũng có đủ cả trăm hóa chất khác nhau, một điếu thuốc lá cũng có danh sách cả nghìn hóa chất độc hại.
4. Mỹ tuyên bố đóng cửa 165 nhà máy NĐT, Trung Quốc tuyên bố đóng cửa 103 nhà máy NĐT, nhiều nước tuyên bố sẽ đoạn tuyệt với NĐT, sao Việt Nam lại đi ngược lại với thế giới, vẫn phát triển NĐT.
Đúng là trên mạng hiện nay có rất nhiều thông tin như vậy. Cũng cần hiểu bản chất của việc công bố những thông tin này.
Cụ thể, Trung Quốc tuyên bố từ nay đến 2025 sẽ đóng cửa 103 NMNĐ than.
Có một điều hiển nhiên là không ai bỏ ra tiền tỷ USD để đầu tư nhà máy nhiệt điện than rồi đóng cửa. Chúng tôi khẳng định rằng các nhà máy điện mà Chính phủ Trung Quốc tuyên bố sẽ đóng cửa đều là các nhà máy điện sẽ hết niên hạn sử dụng Nếu nhà máy điện đó gây ô nhiễm và nếu chính phủ của họ thực sự muốn chống ô nhiễm do nhiệt điện than thì tại sao phải chờ đến 2025 Chính phủ Trung Quốc mới đóng hết 103 nhà máy điện, sao không đóng ngay?
Gần đây Bắc Kinh tuyên bố đã đóng cửa 1 NMNĐ than. Đây là nhà máy nhiệt điện than duy nhất ở Bắc Kinh, do công nghiệp Trung Quốc tự chế tạo, dùng tổ máy 200 MW, là công suất tổ máy mà cách đây 15 năm, Chính phủ Trung Quốc đã tuyên bố ngừng cho phép đầu tư xây dựng các nhà máy nhiệt điện mới có tổ máy công suất 200 MW. Cần lưu ý rằng Trung Quốc có cả nghìn nhà máy nhiệt điện than, việc đóng cửa 103 nhà máy nhiệt điện than đã hết niên hạn sử dụng và có công suất bé là chuyên bình thường. Trung Quốc không hề ngưng nhiệt điện than vì theo cân đối năng lượng nguồn sơ cấp, Trung Quốc chưa có khả năng trong thời gian ngắn thay thế than bằng các nguồn năng lượng sơ cấp khác. Hiện nay Việt Nam mới chỉ có 16 nhà máy nhiệt điện than đang hoạt động, nhưng cũng đã tuyên bố sẽ đóng cửa 1 nhà máy trong số đó.
Hoặc thông tin nói rằng Mỹ tuyên bố đóng cửa 165 nhà máy nhiệt điện than mà lại không nói rõ đó là những nhà máy điện còn hay đã hết niên hạn sử dụng (niên hạn của nhà máy nhiệt điện than trung bình là 30 năm). Việc đóng cửa này xảy ra trong bao lâu, trong 1 - 2 năm hay trong vài chục năm? Nếu đóng cửa 165 nhà máy NĐT và chỉ tính công suất trung bình 1.000.000 kW cho một NMNĐ, nước Mỹ sẽ mất đi 165 triệu kW, vậy thì nước Mỹ đã bù đắp sự thiếu hụt này như thế nào?
Kể từ khi có tuyên bố Rio De Janeiro về giảm phát thải khí nhà kính rồi công ước Kyoto quy định cụ thể hạn ngạch mức giảm phát thải khí nhà kính, suốt hai nhiệm kỳ của mình, Tổng thống Mỹ George Bush đều tuyên bố nước Mỹ chưa thể giảm phát thải khí nhà kính vì quá thiệt hại cho nước Mỹ (khi ấy nước Mỹ phát thải khí nhà kính nhiều nhất thế giới).
Cũng như vậy, trong nhiều năm trước Trung Quốc luôn tuyên bố Trung Quốc là nước đang phát triển, cũng là nước chịu thiệt hại về biến đổi khí hậu nên Trung Quốc chưa thể giảm phát thải khí nhà kính, và yêu cầu tất cả các nước phát triển là những nước gây ra biến đổi khí hậu phải giảm phát thải trước đã. Mãi đến hội nghị Paris Cop 21, Trung Quốc mới ký thỏa thuận giảm phát thải. Lúc này Trung Quốc đã phát thải ra gần 1/3 tổng lượng phát thải CO2 của thế giới. Và lúc này Trung Quốc đã giầu có, đã đi vào giai đoạn bão hào về nhu cầu điện. Trung Quốc tuyên bố giảm phát thải khi Trung Quốc thấy nên có tiếng nói để có trọng lượng trong quan hệ quốc tế, cần xây dựng hình ảnh Trung Quốc là nước có trách nhiệm đối với thế giới.
Thông tin cho biết các nước Pháp, Áo, Phần Lan và nhiều nước khác sẽ đoạn tuyệt với NĐT (xin đọc bài “Thời vàng đen đã qua” trên An ninh Thế giới giữa tháng 8/2017).
Điều này là đúng nhưng lại không ghi rõ: NĐT ở Pháp chỉ chiếm 3,1% tổng sản lượng điện quốc gia, ở Áo chỉ có 11,8% còn ở Phần Lan chỉ có 14%, ở Thụy Điển chỉ có 0,9% thậm chí ở Na Uy chỉ có 0,1%. Việc dẹp bỏ NĐT ở những nước này gần như không ảnh hưởng đến tổng sản lượng điện quốc gia, quốc gia họ đã có những nguồn năng lượng khác thay thế như Pháp đã có 79,8% điện hạt nhân, Na Uy có tới 95,2% thủy điện, Thụy Điển có 44,2% thủy điện và 40,2% điện hạt nhân (tổng cộng 84,4%). Ngay như Phần Lan chỉ có 14% nhiệt điện than nhưng cũng phải tới 2050 mới giảm được 80% khí nhà kính. Cần lưu ý rằng, những nước trên đều là những nước ở giai đoạn 3 của phát triển điện năng nghĩa là đã bão hòa về nhu cầu điện, lại là những nước rất giàu. Chúng tôi thừa nhận rằng, trong một số năm gần đây, nước Mỹ đã tăng nhiều NĐ khí, tỷ lệ NĐ khí có thể sẽ cao hơn NĐT. Lý do vì Mỹ đẩy mạnh khai thác dầu và khí từ đá phiến nên giá khí ở Mỹ rất rẻ (2,6USD/triệu BTU), trong khi ở Đức 6,61USD/triệu BTU, còn ở Nhật phải nhập khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) nên giá khí tới 10,31USD/triệu BTU (số liệu năm 2016).
NĐ khí có ưu điểm là không có tro xỉ, không phát thải SO2 nhưng vẫn phát thải CO2, NOx không thua kém gì NĐT.
Cần lưu ý rằng các nguồn thủy năng ở nước ta đã được khai thác gần hết, chỉ còn những nguồn công suất nhỏ, không còn đóng góp được nhiều cho tổng sản lượng điện quốc gia.
Điện mặt trời, điện gió phụ thuộc rất nhiều vào thời tiết, cùng một công suất điện nhưng sản lượng điện sản xuất ra chỉ bằng khoảng ¼ sản lượng điện của NĐT, chi phí đầu tư cũng còn cao nên chính phủ đã phê duyệt giá mua điện từ điện gió cao hơn 30%, điện mặt trời cao hơn 50 %. Sự bù giá điện này, cuối cùng cũng do người tiêu dùng chịu. Hơn nữa khi tắt nắng, tắt gió thì đất nước lấy điện đâu để dùng.
Điều cơ bản là NĐT có thực sự nguy hại, có thực sự gây ô nhiễm môi trường như thông tin đã đưa không.
Mặt khác, cũng cần công bằng hơn khi đánh giá phát thải của NĐT so với các nguồn phát thải khác. Điển hình là các động cơ đốt trong và động cơ diesel.
Dầu diesel (DO) để chạy các động cơ diesel có lưu huỳnh = 0,5% cũng tương đương như hàm lượng lưu huỳnh trong than nội địa hoặc than nhập khẩu, nghĩa là cũng thải ra một lượng SO2 tương đương như khi đốt than, lại ngay trên mặt đất, lại không hề có thiết bị khử SO2 như ở NMĐ. Nước Đức giàu có như vậy, rất coi trọng môi trường nhưng cũng vẫn phải chấp nhận cho tồn tại xe oto dùng động cơ diesel.
Các động cơ đốt trong chạy xăng, dầu diesel cũng thải ra một lượng rất lớn khí CO2 và NOx vì cùng một nguyên lý oxy hóa ni tơ ở nhiệt độ cao. Nếu xét về số lượng nhiên liệu sử dụng cho các phương tiện giao thông trên thế giới thì khối lượng các chất phát thải này cũng là khổng lồ.
5. Giá thành sản xuất điện từ NĐT chưa tính đúng, tính đủ, còn bao cấp về giá than, còn chưa kể đến chi phí cho y tế để chữa bệnh cho người dân do bị ô nhiễm bởi NĐT.
Trên các bài báo có nêu ý kiến rằng giá than cho điện còn được bao cấp, và chưa kể đến chi phí y tế để chữa bệnh cho người dân vì ô nhiễm bởi NĐT lên tới 0,17USD/kWh (gấp gần 3 lần giá thành 1 kWh từ NĐT).
Đã từ nhiều năm, Việt Nam không có bao cấp giá than cho điện. Trong các năm 2014, 2015, giá than nhập khẩu từ Indonexia về tới NMĐ chỉ có 39,5USD/tấn, trong khi giá than cám 5 Việt Nam (tương đương về nhiệt trị với than nhập khẩu) tới 1.800.000đ/tấn (80USD/tấn).
Còn nếu tính chi phí y tế tới 0,17USD/kWh thì cần tìm hiểu kỹ việc họ tính như thế nào, tôi không tin con số này cũng như con số 4.300 người người chết yểu vì ô nhiễm NĐT như đã phân tích ở trên. Mặt khác cũng cần rạch ròi ô nhiễm do NĐT và do các hoạt động khác nhất là hoạt động giao thông. Và nếu chi phí y tế thực sự tốn kém như vậy thì tại sao các nước phát triển vẫn phát triển NĐT với tỷ lệ cao.
Để kết thúc bài phát biểu này, xin nêu một số câu hỏi sau:
1. Tại sao nước Mỹ giàu có như vậy, phát thải khí nhà kính nhiều như vậy nhưng lại không thực thi tuyên bố Rio de Janeiro và công ước Kyoto, vừa mới ký COP 21 nay lại tuyên bố rút khỏi?
2. Tại sao Trung Quốc trong suốt cả quá trình phát triển của mình đều phản đối giảm phát thải, còn bây giờ tiêu thụ ½ tổng lượng than của thế giới, sản xuất ¼ tổng lượng điện thế giới, riêng nhiệt điện than đóng góp 1/5 tổng sản lượng điện thế giới mới chịu ký COP 21, tại sao việc đóng cửa 103 NĐT phải mãi tới 2025 mới thực thi hết?
3. Tại sao Hàn Quốc giàu như thế, sản xuất nhiều điện như thế nhưng điện tái tạo chỉ có 0,6%. Tại sao gần đây, ông Tổng thống mới đắc cử của Hàn Quốc mới tuyên bố sẽ đóng cửa 1 NMĐ hạt nhân đã hết hạn sử dụng với lý do vì Hàn Quốc đã giàu có rồi, sao không đóng cửa từ trước?
Ở Việt Nam phát thải CO2 chỉ có 0,57% so với tổng phát thải của thế giới (2016), trong khi của Trung Quốc (29,51 %), Mỹ (17,34 %) Ấn Độ 8,17 %, v.v. Việt Nam không phải Quốc gia phải giảm phát thải khí nhà kính.
Rất mong các cơ quan thông tin báo chí cân nhắc kỹ việc chia sẻ thông tin liên quan đến NĐT để cộng đồng có thể hiểu đúng và đầy đủ về NĐT, để sao cho việc sản xuất điện năng ở Việt Nam đạt hiệu quả cao nhất, đáp ứng và bảo đảm an ninh cung cấp điện cho đất nước.
PGS. TS. Trương Duy Nghĩa (chủ tịch Hội KHKT Nhiệt Việt Nam)
0 nhận xét:
Đăng nhận xét